Cách đặt tên công ty hợp lệ? Lưu ý quan trọng khi đặt tên cho công ty

Bài viết sau đây sẽ cung cấp các thông tin cần thiết về việc đặt tên công ty theo đúng quy định pháp luật tại Việt Nam, cách kiểm tra tên doanh nghiệp có trùng lặp hoặc gây nhầm lẫn không và những lưu ý quan trọng về tên doanh nghiệp.

Đặt tên cho doanh nghiệp là một trong những bước đầu tiên và cần thiết khi thành lập công ty. Tên công ty không chỉ phản ánh bản chất kinh doanh, mà còn phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật. Điều này giúp doanh nghiệp tránh những rắc rối pháp lý sau này, đồng thời bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Vậy làm thế nào để đảm bảo rằng tên doanh nghiệp của bạn hợp lệ và không bị trùng hoặc nhầm lẫn?

Nội dung:

I. Cách đặt tên doanh nghiệp

1. Quy định về chung cách đặt tên doanh nghiệp bằng tiếng Việt

Đối với tên bằng tiếng Việt, theo quy định tại Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020, tên tiếng Việt của doanh nghiệp gồm hai thành tố theo thứ tự lần lượt là: loại hình doanh nghiệp và tên riêng.

Theo đó, loại hình doanh nghiệp được viết như sau:

“Công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn;

“Công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần;

“Công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh;

“Doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN”, hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân.

Phần tên riêng phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F,J,Z,W, chữ số và ký hiệu.

 

Đối với tên bằng tiếng nước ngoài, theo Điều 39 Luật Doanh nghiệp 2020, đặt tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài tức là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Theo đó, khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.

 

Ngoài ra, tên viết tắt của doanh nghiệp được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài. Tuy nhiên, doanh nghiệp không bắt buộc phải đặt tên nước ngoài hoặc tên viết tắt khi đăng ký doanh nghiệp.

2. Quy định về tên chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh

Theo quy định tại Điều 40 Luật Doanh nghiệp 2020, tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F,J,Z,W, chữ số và các ký hiệu hoặc có thể đăng ký tên bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt. Khi đặt tên chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ:

“Chi nhánh” đối với chi nhánh;

“Văn phòng đại diện” đối với văn phòng đại diện;

“Địa điểm kinh doanh” đối với địa điểm kinh doanh.

Ngoài ra, cần lưu ý rằng phần tên riêng trong tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp không được sử dụng cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp”.

Tạo hồ sơ Thành lập công ty miễn phí tại đây

3. Một số lưu ý khi đặt tên

Thứ nhất, không được đặt tên trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký, trừ trường hợp doanh nghiệp đã giải thể hoặc đã có quyết định có hiệu lực của Tòa án tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản. Trong đó, tên trùng là tên tiếng Việt mà doanh nghiệp dự định đăng ký được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của doanh nghiệp đã đăng ký trước đó. Tên gây nhầm lẫn là tên tiếng Việt mà doanh nghiệp dự định đăng ký được đọc giống, trùng với tên viết tắt, chỉ khác tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi:

  • Một ký hiệu;
  • Một số tự nhiên;
  • Một số thứ tự;
  • Một chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, chữ F,J,Z,W;
  • Từ “tân” ngay trước hoặc từ “mới”
  • Cụm từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông”;

Được viết liền hoặc cách ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đã được đăng ký.

Ngoài ra, không được sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó hoặc sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Thứ hai, về khả năng bảo hộ. Tên công ty nên có khả năng đăng ký bảo hộ, đặc biệt khi công ty có kế hoạch mở rộng hoạt động hoặc phát triển thương hiệu. Bởi một tên doanh nghiệp có khả năng đăng ký bảo hộ giúp công ty sở hữu độc quyền tên đó, ngăn chặn các công ty khác sử dụng tên tương tự hoặc gây nhầm lẫn. Điều này sẽ bảo vệ công ty khỏi vi phạm bản quyền và tranh chấp pháp lý, từ đó giúp công ty dễ dàng xây dựng và phát triển thương hiệu riêng. Nếu công ty có dự kiến mở rộng ra thị trường quốc tế, tên công ty cần đảm bảo không bị cấm hoặc nhạy cảm tại các quốc gia khác. Doanh nghiệp có thể kiểm tra khả năng bảo hộ tên thương mại tại website của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam nhằm tránh việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của các đơn vị khác.

Thứ ba, tính dễ nhớ, tính phân biệt cao và phù hợp với ngành nghề. Tên công ty nên đơn giản, dễ nhớ, dễ đọc và liên quan đến ngành nghề kinh doanh để tạo ấn tượng với khách hàng. Bên cạnh đó, để công ty có tính phân biệt cao hơn, tên riêng của doanh nghiệp nên kết hợp các cụm từ: kinh doanh, thương mại, dịch vụ, đầu tư, thiết kế, xuất nhập khẩu…. sau loại hình của công ty. Ví dụ, thay vì đặt tên: CTCP Hà Thành thì để tên công ty có tính phân biệt cao hơn sẽ thay bằng CTCP đầu tư xuất nhập khẩu Hà Thành.

II. Cách kiểm tra tính hợp lệ của tên doanh nghiệp

Nhằm tiết kiệm thời gian trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký tên, doanh nghiệp cần thực hiện các bước kiểm tra trước khi đăng ký để tránh trùng hoặc nhầm lẫn với tên doanh nghiệp đã được đăng ký. Cụ thể:

Cách 1:

Bước 1: Truy cập vào đường dẫn của website đăng ký kinh doanh: https://dangkykinhdoanh.gov.vn/

Bước 2: Gõ tên dự định tìm kiếm vào ô tìm kiếm. Nếu khi gõ mà tên doanh nghiệp dự định đăng ký có hiển thị thì tên đó là tên bị trùng, doanh nghiệp cần phải đặt tên khác. Nếu tên không trùng thì doanh nghiệp có thể sử dụng tên đó trong tài khoản đăng ký kinh doanh

Cách tra cứu này khá đơn giản nhưng khá hay bị lỗi và tính chính xác không cao.

Cách 2:

Bước 1: Truy cập vào đường dẫn của website đăng ký kinh doanh: https://dangkykinhdoanh.gov.vn/

Bước 2: Chọn mục Đăng ký doanh nghiệp

Bước 3: Sau khi đăng nhập tài khoản, tiếp tục chọn mục Đăng ký doanh nghiệp

Bước 4: Chọn ô Nộp hồ sơ sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh

Bước 5: Chọn ô Thành lập mới doanh nghiệp/ đơn vị trực thuộc

Bước 6: Chọn loại hình dự định thành lập

Bước 7: Chọn mục Tên doanh nghiệp/ đơn vị trực thuộc

Bước 8: Nhập tên dự định đăng ký rồi nhấn nút Kiểm tra trùng tên. Nếu hiện kết quả như hình thì cần đổi tên khác.

Cách này tuy phức tạp nhưng độ chính xác sẽ cao hơn.

Kết luận:

Đặt tên công ty là một bước quan trọng cần tuân thủ đúng quy định pháp luật. Việc kiểm tra cẩn thận và đảm bảo tên không bị trùng hoặc gây nhầm lẫn giúp doanh nghiệp tránh các rắc rối về pháp lý và bảo vệ thương hiệu của mình. Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn pháp lý liên quan đến việc đặt tên doanh nghiệp tốt nhất!

5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
1 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Hoàng Tiến Đạt
Hoàng Tiến Đạt
7 tháng trước

Tính năng rất hay và thiết thực. Bây giờ có thể tự làm hồ sơ và tự đi nộp được để tiết kiệm chi phí, nếu được luật sư hướng dẫn cho như thế này thì yên tâm hơn

1
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
All in one